Tuy nhiên, để cho các quy định này của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đảm bảo tính khả thi hơn, xin có một số ý kiến đóng góp về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đại biểu HĐND như sau:

Thứ nhất, tại khoản 2, Điều 115 cần quy định rõ về việc thành lập HĐND ở mấy cấp. Vì đây là vấn đề lớn, rất quan trọng, phải được Hiến pháp ghi nhận. Còn văn bản Luật chỉ cụ thể hoá mà thôi. Tuy nhiên, do tính đặc thù và để phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước ta trong từng thời điểm, cũng cần quy định: “Việc thành lập HĐND và UBND ở một số đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”.

Thứ hai, tại Điều 116 cần xác định rõ: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (không thể bỏ quy định này), đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm và trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Đồng thời cần bổ sung quy định: “HĐND và đại biểu HĐND chịu sự giám sát của nhân dân địa phương”.

Hội đồng nhân dân quyết định các chủ chương, chính sách quan trọng của địa phương

Ủy ban Nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và các thành viên Ủy ban Nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban Nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước Hội đồng Nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Thứ ba, tại Điều 117, trong thực hiện nhiệm vụ “theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân” là một vấn đề rất hệ trọng của HĐND và đại biểu HĐND, nên cần quy định rõ hơn về chức năng giám sát của đại biểu HĐND trong vấn đề này. Theo đó, đề nghị sửa lại như sau: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; giám sát và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.


Đại biểu HĐND thường xuyên tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri
Thứ tư, tại Điều 118 quy định: “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND”: như dự thảo là chưa đầy đủ, còn bỏ sót đối tượng.

Trên thực tế còn có thủ trưởng các cơ quan nhà nước khác thuộc UBND (như Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình, Giám đốc Vườn Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện..) hay thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống dọc (như Cục Thuế, Ngân hàng nhà nước, Cục thống kê, Cục thi hành án dân sự…) cũng chịu sự giám sát của HĐND và đại biểu HĐND, thường được HĐND và đại biểu HĐND chất vấn và trả lời chất vấn.

Do đó đề nghị bổ sung thêm đối tượng: “thủ trưởng các cơ quan nhà nước khác thuộc UBND và các cơ quan thuộc ngành dọc” cũng là đối tượng bị chất vấn phải trả lời trước HĐND.

Thứ năm, về tên gọi “Ủy ban nhân dân”, đề nghị nghiên cứu và sử đổi theo hướng trở lại với tên gọi như Hiến pháp 1946, là “Ủy ban hành chính”. Vấn đề này đã có nhiều ý kiến phân tích, bình luận. Tôi đồng tình với việc trở lại tên gọi “Ủy ban hành chính” bởi nhiều lý do, trong đó có vấn đề hiện nay ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, sự phân biệt về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị đang được dư luận rất quan tâm. Về bản chất là trên thực tế, chức năng quản lý hành chính giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị có rất nhiều điểm khác biệt, cần được tách bạch làm rõ để có những cơ chế quản lý hữu hiệu nhất. Việc đổi “Ủy ban nhân dân” thành “Ủy ban hành chính” cũng là một giải pháp để thực hiện việc đó.

Nguyễn Sơn Ca

Nhận xét

Bài liên quan